Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Phải chăng đạo nào cũng tốt ?

Đạo Phật không vẽ vờ một viễn cảnh về Thiên Đường hay nơi nào đó tốt đẹp mà dẫn dắt chúng ta đến đó nếu tin Ngài. Mà Ngài chúng ta hãy biết cách chuyển hóa thân tâm, làm lành lánh dữ để tạo nên phước báu. Đó là con đường duy nhất để đạt đến sự giải thoát. Đức Phật chỉ là một vị đạo sư, không phải là vị thần linh.


1. Đạo là gì?

Đạo là con đường. Con đường này chính là quan điểm sống, hướng đến một mục tiêu tối thượng về mặt tinh thần. Đạo hay còn gọi là tôn giáo, là những điều được chỉ dạy từ một đấng tối tượng nào đó mà con người tôn sùng, kính trọng.

Hiện nay trên thế giới có hàng chục tôn giáo khác nhau, trong đó gồm 5 tôn giáo lớn có sức ảnh hưởng cao là: Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Mỗi tôn giáo đều có một vị giáo chủ riêng với những học thuyết khác nhau. Đa số, các tôn giáo ngoài Phật Giáo đều có chủ trương bắt đạo trong hôn nhân, nghĩa là người chồng hay người vợ khác đạo khi kết hôn với người trong đạo của họ phải cải đạo của mình.

2. Sự khác biệt giữa Phật giáo và những tôn giáo khác

Đức Phật là con người lịch sử

Đạo Phật được khởi nguồn từ Ấn Độ và giáo chủ khai đạo chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cuộc đời của Đức Phật là có thật, điều này đã được chứng minh từ các nhà khoa học hiện đại cũng như chứng tích còn xót lại tại Ấn Độ.

Vì thế, Đức Phật là con người lịch sử có mặt tại thế gian cách đây 2600 năm. Ngài không là một nhân vật siêu nhiên, tưởng tượng trong truyền thuyết nên học thuyết của Đức Phật là có thật, không do tưởng tưởng tạo nên. Điều này chứng tỏ rằng: Đạo Phật không phải là tín ngưỡng thần quyền mà đạo Phật chính là triết lý sống thực tế.

Vạn vật đều do duyên hợp và duyên tan

Nếu như các tôn giáo khác cho rằng có vị Thượng Đế hay thần linh nào đó khai tạo nên sự sống, nắm trong tay mọi quyền lực để định đoạt số mệnh của con người, thì với Phật giáo, đó là điều không thể xảy ra. Học thuyết của Phật giáo cho rằng vạn vật đều do duyên hợp và duyên tan, vận hành theo quy luật vô thường thành, trụ, hoại, không.

Cho nên, không ai và không có quyền năng siêu nhiên nào sáng tạo ra sự sống và định đoạt tất cả, kể cả Đức Phật. Số mệnh của con người nằm trong tay của họ, do họ làm chủ và quyết định tất cả.

Niềm tin tôn giáo

Đức Phật tuyên bố rằng: Tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta! Ngài đã dạy chúng ta về mười lòng tin ( xem thêm). Do đó, Đạo Phật chỉ muốn những tín đồ hiểu đạo, hiểu giáo lý rồi suy ngẫm, thực hành, khi đã đạt được kết quả hãy đặt lòng tin vào. Đó chính là niềm tin có cơ sở rõ ràng, không có sự ràng buộc từ một thế lực hay lời lẽ hoa mỹ nào cả.

Và đối với những tôn giáo khác, họ đến với đạo bằng niềm tin nhưng chưa chắc đã hiểu dựa trên cơ sở nhất định. Một số học thuyết của các tôn giáo đó mang tính ép buộc, nếu không tin vào giáo chủ sẽ bị đọa dày…

Quan điểm giải thoát

Điểm chung của tất cả các tôn giáo đều nhìn nhận rằng: Cuộc đời vốn khổ. Phật giáo cũng cho rằng như thế thông qua bài pháp Tứ Diệu Đế mà Đức Phật đã trình bày rất rõ về nguyên nhân các khổ và cách thoát khổ.

– Với các tôn giáo khác, để giải thoát chỉ cần đặt một lòng tin tuyệt đối vào giáo chủ của họ hoặc bày cúng và cung phụng vị thần đó thì khi mạng chung sẽ được đưa lên Thiên Đàng, còn bằng không sẽ bị đày đọa vào Địa Ngục.

– Nhưng con đường giải thoát của Phật giáo thì khác. Đức Phật không bao giờ dạy Phật tử phải cúng kiếng, van xin hay cung phụng mình để được thoát khổ. Mà Ngài dạy chúng ta “ Hãy tự thắp đuốc mà đi”. Bởi ban đầu, Phật giáo đã xác định vận mệnh của chúng ta do chúng ta làm chủ, mọi khổ đau do chúng ta tạo nghiệp xấu hay nghiệp lành quyết định tất cả. Đức Phật không hề ban phước hay giáng họa cho ai, không hề ràng buộc mọi người phải tin tuyệt đối vào Ngài khi thật sự chưa hiểu.

3. Vì sao chúng ta phải hiểu những điều khác biệt này?

Bởi ngày nay, người theo Phật luôn cho rằng Đức Phật đứng ở cương vị là một thần linh, có trong tưởng tượng như bao vị giáo chủ của tôn giáo khác.

Chính vì ý nghĩ Đức Phật không có thật, đạo Phật cũng là một tôn giáo thần quyền nên họ hờ hợt đi những lời dạy của Đức Phật rồi cho rằng đó là điều không thực tế, mê tín nên dễ buông lơ việc học và hành đạo, dễ xa rời đạo Phật khi bị cuốn hút bởi những lời lẽ ngon ngọt của tôn giáo khác, trong đó có câu: đạo nào cũng tốt cả!

4. Phải chăng đạo nào cũng tốt?

Không ít lần, chúng ta nghe câu: Đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng dạy cho con người đạo đức và cách hướng thiện. Thực tế có đúng như vậy không? Hay đây là sự chụp mũ do nhiều người ngoại đạo muốn che giấu đi cái xấu, cái hạn chế của mình? Nói câu đó nhằm để cá mè một lứa, khi nghe, thoạt đầu cho rằng có lý, nhưng đó chính là một “ cần câu” đầy nguy hiểm để lôi kéo chúng ta rời bỏ đạo Phật.

Hãy nghĩ lại xem, trên thực tế:

Có đạo lấy việc đánh bom khủng bố giết người hàng loạt mà vẫn nhân danh hành đạo, làm theo ý thượng đế để được đưa lên Thiên Đường.

Có đạo xem việc thiên tai gây động đất sóng thần chết hàng vạn người ở Nhật bản là do thượng đế trừng phạt con người.

Có đạo cho rằng năm 2012 là năm tận thế để rủ nhau tự tử tập thể hoặc bảo nhau bán hết nhà cửa để chờ ngày thượng đế đón lên thiên đàng.

Có đạo trong lịch sử truyền đạo của mình sẵn sàng gây chiến tranh hoặc theo gót thực dân để mở mang nước đạo.

Có đạo khi truyền vào nước khác sẵn sàng hủy diệt văn hóa bản địa, quay lưng lại truyền thống dân tộc, đưa ra tuyên ngôn thuộc linh sẵn sàng dâng đất nước này cho thượng đế.
Có đạo khiến con người ta thành nô lệ cho thần linh, trao số phận của mình cho thần linh định đoạt, bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được thanh cao.

Đó có thật sự là những lời dạy tốt hay đó chính là điều xúi giục tín đồ tạo nên những tội ác, sống trong sự bi quan với quan điểm số mệnh định sẵn viễn vong để kiềm chế sự phát triển?

Cho nên, Phật tử chúng ta đừng để cả tin trước câu nói: đạo nào cũng là đạo. Nếu đạo nào cũng là đạo tại sao họ lại bắt chúng ta cải đạo để theo đạo của họ? Tại sao họ không tự tin rằng nếu đạo của họ là tốt đẹp thì ắt có người quy hướng không cần phải dụ dẫn? Phải chăng có một lỗ hỏng nào đó khiến họ không tự tin vào đạo của mình, để rồi đưa ra những câu nghe có vẻ dĩ hòa vi quý đó để làm lung chuyển ý chí học đạo của người Phật Tử?

Chúng ta phải cần tỉnh táo và nhận định đúng vấn đề này. Giáo lý tuyệt vời của Đức Phật không cần phải dụ dẫn người khác bằng những chiêu trò để có tín đồ cho mình. Làm như thế có ích gì khi những con người ấy chỉ đến bằng lòng tin mà không hiểu được giá trị của đạo Phật là gì. Xây dựng nên tín đồ như vậy, chắc chắn đạo Phật sẽ không vững bền!

5. Vì sao Phật tử lại dễ cải đạo?

Do không tìm hiểu về đạo: Đa phần khi hỏi ai cũng nói rằng mình theo Phật giáo nhưng số người hiểu đạo thật sự không đáng là bao cả. Họ đến với Phật giáo vì truyền thống gia đình hay đến để cầu xin, khấn nguyện về mọi điều trong cuộc sống mà ít khi học giáo lý hay tìm hiểu kinh sách về đạo. Vì thế, khi sự hiểu biết không vững rất dễ bị lay chuyển bởi giáo điều hấp dẫn, thu hút hơn bằng lời hứa hẹn hảo huyền.

Do không được chỉ dẫn: Không ít những vị thầy hay cha mẹ thường dễ dãi và thiếu trách nhiệm trong việc hướng dẫn và chia sẻ với con cái hay tín đồ về giá trị tốt đẹp của Phật pháp mà họ lại buông xuôi với lời khuyên qua loa: đạo nào cũng là đạo. Chính vì thế giá trị của Phật giáo bị hạ thấp và người ta giảm đi sự trân quý đạo của mình, dễ dàng buông bỏ.

Do không có trách nhiệm về hộ trì chánh pháp: Hộ trì chánh pháp là nghĩa vụ và trách nhiệm của người Phật tử khi phát nguyện quy y Tam Bảo. Hộ trì là luôn trung thành, phát tâm cống hiến công sức của mình cho đạo Pháp phát triển và trường tồn. Bởi không có trách nhiệm này nên họ rất dễ buông lơ mọi thứ.

6. Giá trị của đạo Phật

Phải khẳng định một điều rằng: Cải đạo Phật được ví như người cầm vàng trong tay mà không hiểu được giá trị của nó. Đạo Phật là đạo của chân lý, đạo của sự thật và đạo của khoa học. Bất chấp thời gian và không gian, đạo Phật vẫn luôn là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, càng nghiên cứu, họ càng nhìn nhận rõ hơn về giá trị của Phật giáo.

Nhà bác học lỗi lạc nhất thể kỷ 20 Einsein đã phải thốt lên rằng: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”.


“Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”

Cũng như không phải ngẫu nhiên mà Liên minh Quốc tế Tiến bộ Tôn giáo và Tâm linh đặt ở Geneva, Thụy Sĩ (ICARUS) năm 2009 đã trao giải thưởng “Tôn giáo Tốt nhất Thế giới” cho Cộng Đồng Phật Giáo.

Và Phật giáo đã được Unesco công nhận ngày lễ Vesek toàn cầu với những giá trị thiết thực mà Phật giáo mang đến cho nhân loại, mà hiện nay chưa có một tôn giáo thứ hai được vinh danh tại Tổ chức danh tiếng của Liên Hợp Quốc này.

Đạo Phật tuyệt vời là thế, điều này không phải chỉ là người trong đạo tự tôn vinh và cả thế giới đều công nhận như thế. Do đó, là Phật tử chúng ta phải tự hào và gìn giữ những điều tốt đẹp từ Phật dạy, chuyên sâu tinh tấn, giữ vững lập trường về lý tưởng về đạo pháp.

Đừng dễ dãi để những luồng ý kiến trái chiều của ngoại đạo quy chụp rằng: đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng là đạo. Đó hoàn toàn không thích hợp với một tôn giáo tuyệt vời như Phật giáo!

Châu Thanh Thùy - Vườn hoa Phật giáo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét