***
Chính trị gia lẫn các tu sĩ đã luôn có một âm mưu sâu sắc. Họ đã chia chẻ con người: chính trị gia cai trị bên ngoài, và tu sĩ thì cai trị bên trong. Họ cũng nhau tham gia vào âm mưu nhằm chống lại nhân loại. Họ – có thể – thậm chí còn không biết họ đang làm gì – tôi không nghi ngờ ý định của họ, họ có thể hoàn toàn không nhận thức chút nào.
Bà ấy đã phục vụ người ngèo, trẻ mồ côi, goá phụ, người già… với ý tốt, nhưng con đường dẫn đến địa ngục luôn vốn chứa đầy những ý định tốt!
Một ngày nọ tôi đã nhận được một bức thư của Mẹ Teresa. Tôi không có ý định nói bất cứ điều gì chống lại sự chân thành của bà ấy – bất cứ điều gì bà ấy viết trong thư là chân thành, nhưng nó vô thức. Bà ấy không nhận biết về những gì mình đang viết. Những điều bà ấy viết thì rất máy móc, giống như một con robot. Bà ấy nói:
“Tôi vừa nhận được một đoạn cắt từ bài phát biểu của ông. Tôi cảm thấy tiếc cho ông vì những gì ông đã nói. Ví dụ như về việc Giải thưởng Nobel. Vì những tính từ mà ông đã thêm vào tên của tôi, tôi tha thứ cho ông với tình yêu lớn.”
Bà ấy cảm thấy tiếc cho tôi! Tôi rất thích bức thư ấy. Bà ấy thậm chí còn không hiểu những tính từ mà tôi đã gắn vào tên bà ấy. Nhưng bà ấy không nhận thức được, nếu không bà ấy sẽ tiếc cho chính mình. Những tính từ mà tôi đã sử dụng là ‘kẻ bịp bợm’, rồi thì ‘lang băm’ và ‘đạo đức giả’.
Về sự lừa dối…
Kẻ lừa dối không chỉ là người đi lừa đảo người khác. Hiểu theo nghĩa xa hơn nghĩa cơ bản thông thường, thì người lừa dối còn là người lừa dối chính bản thân mình. Sự lừa dối khởi đầu từ điểm đó. Nếu bạn muốn lừa dối người khác, trước tiên bạn phải dối chính mình. Nhưng một khi bạn tự lừa dối chính mình, bạn sẽ không bao giờ nhận thức được nó, trừ khi bạn bị phơi bày bởi một ai đó bên ngoài. Bạn sẽ không nhận ra sự lừa dối đã đi rất sâu theo cả hai phía, nó giống như một con dao hai lưỡi.
Bà ấy là một kẻ lừa dối theo nghĩa “dao hai lưỡi” này. Đầu tiên bà ấy đang tự lừa dối chính mình, bởi vì thiền nhất định tạo ra một cuộc sống phục vụ, một cuộc sống từ bi – nhưng cuộc sống của việc phục vụ không có nghĩa sẽ tạo ra thiền. Mẹ Teresa không biết gì về thiền cả – đây là điểm dối lừa cơ bản của bà ấy. Bà ấy đã phục vụ những người nghèo, trẻ mồ côi, goá phụ, người già và bà ấy đã phục vụ họ với ý định tốt, nhưng con đường dẫn người ta đến địa ngục luôn đầy rẫy những ý định tốt kiểu như vậy! Tôi không nói rằng ý định của bà ấy là xấu, nhưng hậu quả mà bạn tạo ra thường không phụ thuộc vào ý định của bạn chút nào.
Bạn có thể gieo những hạt mầm của một cây với ý muốn tạo ra những bông hoa xinh đẹp, nhưng một ngày bạn không thấy hoa nào cả mà chỉ toàn gai, vì lý do đơn giản những hạt giống bạn đã gieo trồng không phải là hạt hoa chút nào. Bạn đã làm điều đó với ý định tốt. Bạn cũng đã làm việc chăm chỉ vì nó, nhưng kết quả được tạo ra chỉ nằm trong bản thân hạt giống, và bên ngoài ý định của bạn.
Bà ấy nuôi bảy ngàn người nghèo mỗi ngày. Tiền này đến từ đâu? Ai đã quyên góp số tiền này?
Bà ấy đã phục vụ những người nghèo, nhưng người nghèo đã được phục vụ trong nhiều thế kỉ rồi và cái nghèo vẫn không hề biến mất khỏi thế giới. Nghèo đói sẽ không biến mất khỏi thế giới chỉ bằng việc bạn đi phục vụ người nghèo. Thực tế, toàn bộ xã hội này đang tồn tại thông qua cách phục vụ những người nghèo. Người nghèo phải được phục vụ theo những cách nào đó để họ không cảm thấy bị ruồng bỏ. Nếu không họ sẽ trả thù, họ sẽ nổi điên, họ sẽ trở thành những kẻ giết người. Xã hội đang làm rất nhiều việc cho người nghèo, cho những mẹ goá con côi chỉ để giữ cho họ an lòng và tạo nên một bộ mặt “tốt” cho xã hội.
Do vậy, chính những người đang khai thác người nghèo cũng là người quyên góp cho những công việc này. Công việc của Mẹ Teresa được gọi là Truyền Giáo Bác Ái. Bà ấy nuôi bảy ngàn người nghèo mỗi ngày. Số tiền này đến từ đâu? Ai là người quyên góp?
Năm 1974, Đức Giáo Hoàng tặng cho bà ấy một chiếc xe Cadillac và ngay lập tức bà bán chiếc xe. Nó đã được mua với giá rất cao vì đó là xe của Mẹ Teresa, và số tiền đó được chuyển cho người nghèo. Mọi người đều rất biết ơn về điều đó, nhưng câu hỏi là, chiếc Cadillac đã đến từ đâu đầu tiên? Đức Giáo Hoàng đã không tạo ra nó. Ông ấy cũng không làm bất cứ phép lạ nào! Nó chắc hẳn phải đến từ ai đó có đủ tiền để tặng một chiếc Cadillac. Và Giáo Hoàng có nhiều tiền hơn bất cứ ai trên thế giới. Tiền đó đến từ đâu?
Và chỉ một chút trong số tiền ấy – thậm chí không tới một phần trăm – đã đến với người nghèo thông qua những người truyền giáo từ thiện này. Đây là cơ quan phục vụ cho những nhà tư bản. Họ phục vụ cho người giàu, không phải người nghèo. Nhìn bề ngoài thì họ phục vụ người nghèo, nhưng về cơ bản họ gián tiếp phục vụ người giàu. Họ cho người nghèo cảm thấy rằng “đây là một xã hội tốt, đây không phải là một xã hội xấu. Chúng ta không được nổi dậy chống đối nó…”
Những nhà truyền giáo này gieo hy vọng cho người nghèo. Nếu những người truyền giáo không ở đó, những người nghèo này sẽ trở nên tuyệt vọng đến nỗi để thoát ra sự vô vọng đó họ sẽ nổi loạn, sẽ đấu tranh. Chuyện là tôi đã chỉ trích Mẹ Teresa và nói rằng giải thưởng Nobel không nên trao cho bà ấy. Vì lẽ đó bà ấy đã cảm thấy bị xúc phạm như bà đã nói trong thư. “Ví dụ về giải thưởng Nobel”.
Trên bề mặt họ phục vụ người nghèo, nhưng sâu trong gốc rễ, một cách gián tiếp, họ đang phục vụ người giàu.
Người đàn ông Nobel này là một trong những tội đồ lớn nhất thế giới. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã xảy ra với những vũ khí ông ấy chế tạo. Ông ấy là nhà sản xuất vũ khí lớn nhất nên đã nhận được rất nhiều tiền từ chiến tranh. Hàng triệu người đã chết bởi các vũ khí ấy thế nên có thể nói ông ấy là nhà sản xuất cái chết. Ông ấy đã kiếm được rất nhiều tiền đến nỗi giải thưởng Nobel bây giờ đang được trao bằng số tiền lãi sinh ra từ tiền của Nobel mà thôi. Và mỗi năm có hàng chục giải thưởng Nobel được trao. Người đàn ông này đã để lại bao nhiêu tiền? Và số tiền này đã đến từ đâu? Bạn không thể tìm thấy bất kì khoản tiền nào chứa nhiều “máu” hơn số tiền mà một người nhận từ giải thưởng Nobel.
Và bây giờ khoản tiền Nobel này được đưa đến các Nhà Truyền Giáo Từ Thiện. Nó đến từ chiến tranh, đến từ máu, đến từ việc giết người và cái chết. Và bây giờ nó phục vụ cho hàng trăm trẻ mồ côi, trong việc nuôi bảy ngàn người — giết hàng triệu người và nuôi bảy ngàn người, nâng đỡ một vài trẻ mồ côi sau khi đã làm cho hàng triệu đứa trẻ trở thành mồi côi. Đây là một thế giới kì lạ! Đây là kiểu số học gì? Đầu tiên tạo ra hàng triệu trẻ mồ côi, sau đó chọn ra vài trăm và đưa chúng vào các chương trình truyền giáo từ thiện!
Mẹ Teresa đã không thể từ chối giải thưởng Nobel… một khao khát được ngưỡng mộ, một tham muốn được tôn trọng trên thế giới này. Giải thưởng Nobel mang đến cho bạn sự tôn trọng lớn nhất. Bà ấy đã nhận giải thưởng này.
Jean-Paul Sartre dường như mang tính tôn giáo nhiều hơn Mẹ Teresa, bởi vì ông ấy đã từ chối giải thưởng này. Ông ấy đã từ chối số tiền đó, từ chối sự tôn trọng đó, đơn giản vì lý do giải thưởng này không có nguồn gốc đúng. Thứ hai, ông nói (bằng hàm ý), “Tôi không thể chấp nhận bất kì sự tôn trọng nào từ xã hội điên rồ này. Bởi vì nếu tôi chấp nhận sự tôn trọng từ xã hội điên rồ này đồng nghĩa với việc tôi tôn trọng sự điên rồ của nhân loại.” Người đàn ông này dường như đi xa hơn về tôn giáo, tâm linh và cả chân thật hơn so với Mẹ Teresa rất nhiều.
Đó là lý do tại sao tôi gọi những người như Mẹ Teresa là “kẻ bịp”. Họ không lừa dối một cách có nhận thức đâu. Chắc chắn là họ không cố ý, nhưng điều đó không quan trọng vì sau cùng kết quả đều sẽ lộ ra rất rõ ràng. Mục đích cũng như chức năng của họ trong xã hội này giống như chất bôi trơn cho những vòng quay của xã hội. Nó giúp cho cỗ máy của khai thác và áp bức có thể tiếp tục hoạt động một cách nhẹ nhàng trôi chảy. Những người ấy là chất bôi trơn! Họ đang lừa dối người khác và lừa dối chính họ.
Về “lang băm”…
Và tôi gọi họ là “những lang băm” bởi vì một người tôn giáo thật sự, một người như Jesus— bạn có thể hình dung việc Jesus nhận được một giải Nobel không? Không thể nào. Bạn có thể tưởng tượng Socrates nhận giải Nobel không? hay Mansur Al-Hallaj? Nếu Jesus không thể nhận giải thưởng Nobel và Socrates không thể nhận giải thưởng Nobel— và đây là những người tôn giáo thật sự, những người đã thức tỉnh – Nếu họ còn chẳng nhận được gì thì Mẹ Teresa là ai?
Người tôn giáo thật sự là người mang tính nổi loạn, thường thì sẽ xã hội lên án anh ta. Jesus bị kết án như một tên tội phạm trong khi Mẹ Teresa lại được tôn vinh như một vị thánh. Có một điều cần suy ngẫm ở đây: Nếu Mẹ Teresa là đúng, thì Jesus hẳn là một tội phạm; và nếu Jesus đúng thì Mẹ Teresa chỉ là một Charlatan – một lang băm chứ không khác gì. Charlatans luôn được xã hội ca ngợi vì sự hữu ích của họ cho xã hội này, cho việc giữ gìn hiện trạng này.
Về đạo đức giả…
Bất cứ tính từ nào tôi dùng, tôi đều dùng một cách rất nhận thức. Tôi không bao giờ sử dụng một từ mà không xem xét. Và tôi đã dùng từ “đạo đức giả”. Những người này là những kẻ đạo đức giả bởi vì nền tảng lối sống của họ bị chia rẽ – trên bề mặt là thứ này nhưng bên trong lại là thứ khác.
Bà ấy viết, “Gia đình Tin Lành không được nhận nuôi đứa trẻ (mồ côi) không phải vì họ theo đạo Tin Lành, mà vì lúc đó chúng tôi không có đứa trẻ nào để có thể trao cho họ.”
Giờ thì nhìn xem, giải thưởng Nobel được trao cho bà ấy vì đã giúp đỡ hàng ngàn trẻ mồ côi. Và luôn có hàng ngàn đứa trẻ mồ côi khác đang sống trong trung tâm bà ấy điều hành. Bỗng dưng bà ấy không còn trẻ mồ côi nào? Và ở Ấn Độ bạn có thể thực sự chạy thoát khỏi trẻ mồ côi không? Người Ấn Độ có khả năng tạo ra bao nhiêu trẻ mồ côi như bạn muốn, thực tế là nhiều hơn cả bạn muốn.
Gia đình Tin Lành bị từ chối đã không bị từ chối ngay lập tức. Nếu không có trẻ mồ côi, nếu tất cả trẻ mồ côi đã được nhận nuôi, vậy sau đó Mẹ Teresa sẽ làm gì với bảy trăm nữ tu đang làm việc tại đó? Công việc của họ là gì? Bảy trăm nữ tu…. Họ sẽ nuôi nấng và chăm sóc ai? Vậy mà bà ấy lại nói là không có một đứa trẻ mồ côi nào cả vào thời điểm đó. Thật lạ lùng. Lạ hơn nữa là nó xảy ra ở Calcutta – nơi mà bạn thậm chí có thể tìm thấy trẻ em ở trong thùng rác hoặc có thể chỉ cần nhìn ra ngoài đường là đủ để thấy rất nhiều trẻ… Thậm chí bọn trẻ sẽ tự tìm đến, bạn không cần phải tìm chúng chút nào.
Vậy mà đột nhiên họ hết trẻ mồ côi… Nếu gia đình ấy bị từ chối ngay lập tức, nó sẽ là vấn đề khác. Nhưng gia đình ấy đã không bị từ chối ngay lập tức. Họ được hứa hẹn, “Vâng, bạn có thể nhận được một đứa trẻ mồ côi. Hãy điền vào mẫu đơn này.” Vì lời nói này mà họ đã điền vào mẫu đơn ấy đầy đủ cho tới lúc họ phải điền về tôn giáo của họ. Tận đến lúc đó viện vẫn có những đứa trẻ mồ côi. Nhưng đến khi họ điền vào mẫu đơn rằng, “Chúng tôi theo đạo Tin Lành”, ngay lập tức Mẹ Teresa tuyên bố họ đã hết trẻ mồ côi trong viện.
Lý do này đã được họ nói với chính gia đình Tin Lành đó. Bây giờ, đây là đạo đức giả. Đó là sự lừa dối. Thật xấu xí. Lý do được đưa ra cho chính gia đình ấy là vì những đứa trẻ… Những đứa trẻ đang ở đó, làm sao mà bà ấy có thể nói, “Chúng tôi không có trẻ mồ côi nào nữa cả?” Bọn trẻ vốn luôn được trưng ra như một cuộc triển lãm.
Bà ấy cũng đã mời tôi :
“Ông có thể đến bất cứ lúc nào. Ông được đón chào để đến thăm nơi này, để xem những đứa trẻ mồ côi và cả công việc của chúng tôi.”
Họ đã làm cho công việc của họ trở nên giống như một buổi triễn lãm.
Thực tế, gia đình Tin Lành ấy vốn đã chọn được đứa trẻ mồ côi mà họ muốn nhận nuôi. Vậy nên bà ấy không thể nói với họ, “ Xin lỗi vì chúng tôi không còn trẻ mồ côi nữa.”
Bà ấy nói với họ, “Những đứa trẻ mồ côi này đang được nuôi dưỡng theo niềm tin của Giáo Hội Công Giáo La Mã, nên nếu trao cho một gia đình Tin Lành thì điều đó sẽ rất tệ cho sự phát triển tâm lý của chúng. Bởi vì nó sẽ tạo ra một sự rối loạn. Bây giờ nếu trao đứa trẻ cho ông bà sẽ khiến chúng bị rối loạn và không tốt cho chúng. Đó là lý do tại sao chúng tôi không trao đứa trẻ này cho các bạn, bởi vì các bạn theo đạo Tin Lành.”
Đó là lý do được đưa ra cho họ. Và họ không phải là những người ngu ngốc. Người chồng là giáo sư tại một trường đại học ở Châu Âu – Ông ta bị sốc, người vợ cũng bị sốc. Họ đã đến từ nơi rất xa chỉ để xin nhận nuôi một đứa trẻ, và họ đã bị từ chối vì họ là một người Tin Lành. Nếu họ viết vào đơn là “Công giáo”, chắc chắn ngay lập tức họ sẽ được nhận đứa trẻ.
Việc cải đạo…
Có một điều cần phải hiểu, đó là những đứa trẻ này về cơ bản là người theo đạo Hindu. Nếu Mẹ Teresa thật sự quan tâm đến lợi ích tâm lý của chúng, thì chúng nên được cho phép đi theo đạo Hindu mới phải. Nhưng chúng lại được nuôi dưỡng theo Giáo Hội Công Giáo…. Những đứa trẻ theo đạo Hindu đang được nuôi dưỡng theo đạo Công giáo và tâm lý của chúng không bị xáo trộn? Bây giờ nếu chuyển sang Tin Lành thì tâm lý của chúng lại bị xáo trộn? Và nếu điều này là đúng thì Mẹ Teresa đừng bao giờ nên cố gắng cải đạo bất kì ai thành người Công Giáo.
Đó là toàn thể công việc của họ: cải đạo mọi người. Chỉ vài ngày trước có một điều luật được nhắc tới trong Quốc Hội Ấn Độ: “Tự do tôn giáo”. Mục đích của dự luật là không ai được phép chuyển đổi, cải đạo bất kỳ ai sang tôn giáo khác. Trừ khi một người chọn việc cải đạo dựa trên ý muốn của chính họ thì không ai được phép cải đạo họ. Và Mẹ Teresa là người đầu tiên phản đối. Cả đời bà ấy đã chưa bao giờ phản đối bất cứ điều gì, đây là lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần cuối cùng bà ấy phản đối nó. Bà ấy đã viết một lá thư cho Thủ tướng và đã có một cuộc tranh luận gay gắt giữa bà ấy và Thủ Tướng. Việc tranh luận của họ đã tạo ra rất nhiều ồn ào trên khắp đất nước. Các chính trị gia luôn rất quan tâm đến phiếu bầu và họ không thể mất các phiếu bầu Ki-tô giáo, vậy nên dự luật bị huỷ bỏ.
Bà ấy đã rất nhiệt tình về việc chuyển đổi mọi người. Nếu người ta đã không bị cải đạo, thì các tín độ Ki-tô giáo trên thế giới sẽ là ai?
Ki-tô giáo tồn tại mới chỉ hai ngàn năm nhưng đã nhanh chóng trở thành tôn giáo có số tín đồ lớn nhất trên thế giới. Những người đó từ đâu đến? Tất cả đến từ việc cải đạo, những phương pháp cải đạo khác nhau.
Trong quá khứ, Ki-tô giáo và Hồi giáo đánh nhau và đều cố cải đạo người khác thành tôn giáo của họ theo cách rất bạo lực. Hồi giáo bị tụt lại phía sau vì họ không có điều kiện học hỏi các công nghệ mới nhất. Trong khi Ki-tô giáo thì rất thức thời vì họ thuộc về thế giới phương Tây, họ nhanh chóng cập nhật về mọi thứ. Họ loại bỏ những ý tưởng cũ về việc trói buộc bạn, điều đó đã trở nên lỗi thời. Bây giờ họ phục vụ bạn – họ cho bạn bánh mì và bơ, các dịch vụ và giáo dục, bệnh viện và trường học, trường đại học. Họ mua chuộc bạn. Bây giờ từ sức mạnh về quân sự họ đã chuyển đổi sang sức mạnh về kinh tế, nhưng sự truyền-giáo-cải-đạo vẫn tiếp tục.
Có nhiều bằng chứng cho thấy Ki-tô giáo không thể cải đạo dù chỉ một người Hindu giàu có. Làm thế nào để bạn có thể cải đạo một người Hindu giàu có? Bạn không thể mua chuộc anh ta. Bạn chỉ có thể cải đạo cho những người ăn xin nghèo, bởi vì họ có thể bị mua chuộc một cách dễ dàng, họ có thể bị mua chuộc rất dễ dàng.
Nếu Mẹ Teresa thật sự thành tâm và tin tưởng rằng việc cải đạo một người làm xáo trộn tâm linh của người đó, thế thì bà ấy nên chống lại việc cải đạo, trừ khi người đó tự quyết định việc cải đạo này.
Đối với tôi, Mẹ Teresa và những người như bà là những kẻ đạo đức giả: nói một điều, làm những điều khác đằng sau một cái vỏ bọc đẹp đẽ. Đó là toàn bộ trò chơi chính trị – chính trị của những con số.
Về tức giận và tha thứ…
Và bà ấy nói, “Cho những tính từ mà ông đã thêm vào tên của tôi, tôi tha thứ cho ông với một tình yêu lớn.” Thứ nhất, tình yêu không cần được tha thứ vì ngay từ đầu nó không hề giận dữ chút nào. Để tha thứ cho ai đó trước tiên bạn phải tức giận, đó là điều kiện tiên quyết. Tôi không tha thứ cho Mẹ Teresa bởi vì tôi hoàn toàn không hề tức giận gì với bà ấy cả, thế thì tại sao tôi phải tha thứ? Có gì để mà tha thứ? Nhưng bà ấy đã tức giận. Đây là lý do tại sao tôi muốn bạn bắt đầu suy ngẫm về những điều này.
Người ta nói rằng Phật không bao giờ tha thứ cho bất cứ ai, đơn giản vì ông ấy không bao giờ tức giận. Làm thế nào để bạn có thể tha thứ khi mà bạn không hề tức giận? Không thể nào. Bà ấy chắc chắn đã tức giận. Đây là những gì tôi gọi là sự vô thức: bà ấy đã không nhận thức được những gì bà ấy đang viết, bà ấy không nhận thức được những gì tôi sẽ làm với lá thư của bà ấy!
Bà ấy nói: “Tôi tha thứ cho ông với một tình yêu lớn”… như thể có tình yêu nhỏ và tình yêu lớn, và những thứ tương tự thế. Tình yêu đơn giản là tình yêu. Nó không thể vĩ đại, cũng không thể nhỏ bé. Bạn có nghĩ về tình yêu như một thứ có thể định lượng không? Một kilogram tình yêu hay hai kilogram tình yêu? Bao nhiêu kilogram tình yêu thì mới được gọi là tình yêu lớn? Hay là cần bao nhiêu tấn? Tình yêu không phải là số lượng, nó là chất lượng. Và tôi đã phạm lỗi gì mà cần bà ấy tha thứ cho tôi? Đây lần nữa lại chỉ là một ý tưởng cũ kĩ ngu ngốc của Ki-tô giáo về sự tha thứ. Tôi không đang thú tội, vậy tại sao bà ấy phải tha thứ cho tôi?
Sự lựa chọn…
Tôi vẫn giữ các tính từ này và sẽ thêm một vài từ khác nữa: rằng bà ấy thật ngu ngốc, tầm thường và ngớ ngẩn. Và nếu có bất cứ ai cần được tha thứ thì đó là bà ấy, không phải tôi. Bởi vì bà ấy đang phạm một lỗi lớn. Bà ấy đã nói trong bức thư này, “Tôi đang chiến đấu với tội ác phá thai”. Phá thai không phải là một tội lỗi – trong thế giới đông dân này, phá thai là một việc tốt. Và nếu phá thai là tội thì Đức Giáo Hoàng và Mẹ Teresa và toàn thể người của họ phải chịu trách nhiệm cho việc làm đó. Vì họ chống lại các biện pháp tránh thai, họ chống lại các phương pháp ngừa thai, họ chống lại thuốc. Họ mới thật là những người, là nguyên nhân của mọi vụ phá thai, họ nên chịu trách nhiệm. Đối với tôi, họ là những tội phạm.
Trên thế giới quá tải dân số này, nơi con người đang đói và chết vì đói, việc chống lại thuốc ngừa thai là không thể tha thứ được. Thuốc ngừa thai là một trong những đóng góp quan trọng nhất của khoa học hiện đại cho nhân loại – nó có thể biến trái đất thành thiên đường. Nhưng chắc chắn ở thiên đường này sẽ không có trẻ mồ côi, thế thì rồi điều gì sẽ xảy ra với Mẹ Teresa và Giáo hoàng? Và trong thiên đường đó ai sẽ lắng nghe Giáo hoàng? Mọi người sẽ rất hạnh phúc, ai sẽ bận tâm về những người này? Và ai sẽ nghĩ về một thiên đường sau khi chết? Nếu thiên đường ở đây bây giờ thì không cần phải phát minh ra những dự án, ước mơ, tưởng tượng về một thiên đường nào nữa…
Tôi muốn tiêu diệt sự đói nghèo. Tôi không muốn phục vụ người nghèo – đủ là đủ.
Mười ngàn năm phục vụ người nghèo một cách ngu ngốc đã chẳng thay đổi bất cứ điều gì. Nhưng bây giờ chúng ta đang có đủ công nghệ để xoá bỏ sự nghèo đói một cách triệt để hơn bao giờ.
Tóm lại là…
Nếu như bất cứ ai cần được tha thứ thì đó là những người này. Đó là Giáo hoàng, Mẹ Teresa,… họ là những người cần được tha thứ. Họ là tội nhân – nhưng để thấy tội ác của họ bạn sẽ phải cần có một trí thông minh lớn.
Và hãy thấy thái độ bản ngã trong những tuyên bố “Thánh thiện hơn ngươi” này. Bà ấy nói, “Tôi tha thứ cho ông”, “Tôi thấy tiếc cho ông”, và thậm chí là, “Cầu mong phước lành của Thượng đế ở cùng ông và lấp đầy trái tim ông bằng tình yêu của Ngài.” Thật nhảm nhí!
Tôi không tin vào bất kì Thượng đế nào trong hình ảnh một con người, vì vậy không có Thượng đế nào có thể ban phước cho tôi hay bất kì ai khác. Thượng đế chỉ là một sự nhận biết, Thượng đế không phải là một ai đó để gặp. Thượng đế là trạng thái thuần khiết của ý thức bạn… Tôi không phải người vô thần, hãy nhớ điều đó, nhưng tôi cũng không phải là người hữu thần. Thượng đế không phải là một cá nhân con người đối với tôi mà là một sự hiện diện, và sự hiện diện đó được cảm nhận khi bạn đạt đến cao trào của thiền định. Bạn đột nhiên cảm thấy tính thượng đế tràn ngập toàn thể sự tồn tại này. Không có Thượng đế nhưng có sự tính thượng đế…. “Và lấp đầy trái tim của ông với tình yêu của Ngài.” Trái tim tôi tràn đầy tình yêu của tôi! Không có không gian cho bất cứ tình yêu của ai khác trong đó. Và tại sao trái tim tôi phải ngập tràn tình yêu của bất kì ai khác? Một tình yêu vay mượn không phải là một tình yêu. Trái tim có hương thơm riêng của nó.
Nhưng những điều vô nghĩa này đang được cho là rất tôn giáo. Bà ấy viết thư với mong muốn tôi sẽ thấy bà ấy là người tôn giáo đến thế nào… Và tất cả những gì tôi thấy, bà ấy chỉ là một người bình thường và ngốc nghếch, kiểu người bạn có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào giữa những người trung bình khác.
Tôi đã luôn gọi bà ấy là Mẹ Teresa – nhưng tôi nghĩ tôi nên ngừng gọi bà ấy là Mẹ Teresa. Vì tôi không phải một quý ông lắm đâu, nhưng dù vậy tôi vẫn phải trả lời thư cho thoả đáng. Bà ấy đã gọi tôi là “Ông Osho thân mến, vậy nên từ giờ trở đi tôi sẽ gọi bà ấy là “Cô Teresa thân mến!”- chỉ để trở nên lịch sự mà thôi!
Một bản dịch của “Học viện Anh ngữ Thần Chú”
Memer dịch: Đinh Hà Tú Trinh
Hiệu chỉnh: Phi Tuyết
Link bài gốc tiếng Anh:
Osho talks about Mother Teresa of Calcutta