Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

LUÂN LÝ KITO GIÁO LÀ “LUÂN-LÝ NÔ-LỆ”

 Theo Nietzsche, tôn giáo không chỉ làm người ta thụ động và nhu nhược, nhưng tính giáo điều của nó còn bóp nghẹt đời sống của con người Siêu Nhân. Nietzsche cho rằng: “Kitô giáo trong tư cách giáo điều đã bị làm cho tàn lụi bởi chính nền luân lý của nó…”Ông coi luân lý Kitô giáo là công cụ quyền lực trong tay những kẻ yếu đuối. Giáo sĩ là tác giả của các bộ luật luân lý, vì theo ông, các tôn giáo được thành lập bởi một “sự dối trá thánh thiện (holy lie)”, một sản phẩm của giáo sĩ (như sẽ trình bày ở phần sau). Họ điều kiện hóa tín hữu bằng các luật luân lý, thêm vào đó là gia tăng quyền lực của mình. Theo Nietzsche, “sự dối trá thánh thiện” của giáo sĩ sáng tạo: một Thiên Chúa thưởng phạt, Đấng quan sát cẩn thận những cuốn sách luật của họ; một đời sống bên kia có thưởng phạt;một lương tâm; một bộ luật luân lý; và một đức tin bất-khả-ngộ của tín điều. Vì vậy, đối với Nietzsche, luân lý Kitô giáo không làm cho các cá nhân phát triển, thay vào đó là sự suy yếu và khước từ đời sống.

Trong cuốn Bên Kia Thiện Ác, Nietzsche nhận định có hai nền luân lý khác hẳn nhau: Luân lý ông chủ và Luân lý nô lệ. Nietzsche coi Kitô giáo là luân lý nô lệ, trong khi luân lý ông chủ thuộc về Siêu Nhân. Luân lý ông chủ có nghĩa là “cao thượng”, hùng mạnh và tập trung quyền lực. Vì thuộc giai cấp thống trị nên là kẻ sáng tạo và quyết định các giá trị. Họ không cần tìm ở bên ngoài sự tán thành các hành vi của mình. Luân lý ông chủ tự phán đoán về chính họ. Ngược lại, luân lý nô lệ phát sinh với những yếu tố thấp kém nhất trong xã hội. Họ là tầng lớp bị lạm dụng, bị đàn áp, nô lệ, và là những kẻ không chắc chắn về bản thân mình. Đối với nô lệ, “tốt” là biểu tượng cho tất cả những đức tính giúp làm nhẹ đời sống đau khổ của con người, như “sự cảm thông, sẵn sàng giúp đỡ, sự nồng nhiệt, kiên nhẫn,…” Nietzsche xem luân lý nô lệ này chẳng khác nào chủ nghĩa vị lợi, tức là cái gì tốt và có lợi cho những kẻ yếu đuối. Vì thế, tất cả những gì gây ra sợ hãi đều là “xấu” với luân lý nô lệ. Ngược lại, luân lý ông chủ coi người “tốt” là người gây lên sự sợ hãi.
Nietzsche phản đối luân lý Kitô giáo vì nó chấp nhận giá trị thô thiển của “bầy đàn”. Ông tin Kitô giáo là “mưu đồ” ý thức và vô thức để tự bảo toàn chính mình của tầng lớp nô lệ. Tinh thần “yêu mến kẻ thù” chỉ là một chính sách giả tạo để tự duy trì sự nhu nhược của nô lệ. Nhưng thực ra, kẻ thù lớn nhất của Kitô giáo, tức là thứ luân lý nô lệ, chính là tầng lớp thống trị (luân lý chủ ông). Đơn cử như trường hợp của Luther (nhà cải cách Tin Lành) bị coi là kẻ tội lỗi xấu xa và lầm lạc khi đứng lên chống đối lại những tín điều của Giáo Hội. Sự phẫn hận và trả thù ăn sâu vào tinh thần bầy đàn, cho những gì độc lập, cai trị và quyền lực đều là xấu xa.
Vì thế, Nietzsche chủ trương phải vượt lên thiện và ác, tức là phải vượt lên thứ luân lý bầy đàn đang thống trị của Kitô giáo, phải đánh giá lại mọi thứ luân lý đã có. Đánh giá lại các giá trị không phải là đưa ra các giá trị mới, nhưng là sự đảo lộn các giá trị trở lại. Vì thế, Nietzsche cho thấy cái mà người ta gọi là “tốt” hoàn toàn không phải là đức hạnh, và cái người ta coi là chân lý chỉ là sự ngụy trang của tính ích kỷ và sự yếu đuối mà thôi. Cho nên, Kitô giáo là sự sáng tạo khéo léo của các vũ khí tâm lý để giúp người lùn thuần hóa các gã khổng lồ tự nhiên. Một khi sự ngụy trang này bị gỡ bỏ khỏi nền luân lý Kitô giáo, các giá trị đích thực sẽ xuất hiện.
https://tinhhoa.net/dang-tao-hoa-duoc-mo-ta-nhu-the-nao-trong-cac-tin-nguong-co-xua.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét