Tuổi thơ tôi gắn liền với Sách Phần, Bổn Đồng Ấu. Con nít sáu, bảy tuổi bọn tôi, không đứa nào không thuộc “Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị Đệ Nhất Thiên”!...
Đấy là “mầu nhiệm” cốt lõi tín đồ được nhồi nhét ngay từ thời thơ ấu! Chúng tôi được dạy rằng: “Một Chúa Ba Ngôi” là mầu nhiệm vượt ngoài trí năng suy luận của con người, chỉ chấp nhận bằng “đức tin” không được thắc mắc!.. Huyền thoại Augustinô và đứa trẻ với ý định múc cạn nước biển đổ vào lỗ cát chỉ bằng chiếc vỏ sò! Câu chuyện ấy được các đấng “chăn dắt” dùng để răn đe tín đồ nào muốn dùng lý trí tìm hiểu về mầu nhiệm “nhất thể tam vị”. Kiến thức con người được ví như nước biển trong vỏ sò, quyền năng Thiên Chúa như biển cả mênh mông. Lấy trí năng giới hạn con người để hiểu biết về mầu nhiệm vô biên Thiên Chúa là điều không thể!... Đấy là chưa nói có thể bị quy kết “phạm tội kiêu ngạo” khi muốn lấy phàm trí để đo lường thánh trí!?...
Với tôi, đến gần nửa đời người, qua nghiên cứu lịch sử cái gọi là “hội thánh”, mới “ngộ” ra ngay từ buổi đầu sơ khai, máu đã đổ, không phải máu của “Ngôi Hai cứu chuộc” đổ trên thập giá, mà chính là máu con chiên!.. Cuộc thanh trừng tín lý đã diễn ra, cướp đi sinh mạng nhiều người! Lịch sử vẫn còn đó. Các “công đồng” đầu tiên của giáo hội do chính hoàng đế La-mã triệu tập. Cùng lúc các đội vệ binh được điều động, túc trực tại hội nghị sẵn sàng làm nhiệm vụ. Các văn bản tín lý được đề xuất. Thuận thì sống chống thì chết!.. Bi kịch lịch sử này rõ ràng chỉ để thỏa mãn tham vọng thống trị của đế quốc La-mã núp dưới chiêu bài tôn giáo… Vài lược sử dưới đây cho thấy chỉ vì muốn áp đặt “mầu nhiệm một chúa ba ngôi”, đế quốc Công giáo Rô-ma sẵn sàng ra tay tàn bạo khốc liệt với bất kỳ ai có quan điểm chống lại ngay trong buổi đầu sơ khai của giáo hội...
1.- Học thuyết Arius phủ nhận Ngôi thứ hai của Giê-su trong tín lý “Tam vị Nhất thể”
Năm 321, tu sĩ Arius khởi xướng học thuyết mới, đẩy tín lý Ki-tô giáo vào cuộc khủng hoảng nặng nề ngay từ buổi đầu sơ khai của Công giáo La-mã. Cuộc tranh biện về “Thiên Tính của Giê-su” giữa Arius và các giáo phụ Rô-ma đã khiến nhiều người phải bỏ mạng, nhiều người khác bị tù đày…
Giáo thuyết của Arius khởi đi từ việc thừa nhận Thần Giê-hô-va là vị Chúa duy nhất, tự hữu… Nhưng Chúa của Arius không thể thông đồng bản tính của mình cho ai, kể cả Giê-su. Arius mượn một câu trong phúc âm của Gioan “Cha ta cao trọng hơn ta…” (Ga 14:28) để chứng minh rằng: Giê-su không phải là Thiên Chúa, không cao trọng, ngang bằng Thiên Chúa, không đồng bản tánh với Thiên Chúa. Giê-su chỉ là người được Thiên Chúa chọn làm con, làm nhiệm vụ trung gian giữa Thiên Chúa và con người…
Học thuyết của Arius được nhiều Giám mục và tín đồ ở các giáo hội Đông phương hưởng ứng. Để giải quyết vấn đề này, Công đồng Alexandria được đế quốc Rô-ma triệu tập, có khoảng 100 Giám mục tham dự, trong đó có cả Arius. Kết quả Công đồng phi bác học thuyết và kết án Arius phải đi đày…
Nhưng Arius được sự hậu thuẫn của Giám mục Eusebiô, từ đó cuộc tranh chấp tín lý bùng phát ngày càng dữ dội hơn.
Constantine là kẻ hộ giáo đầy quyền lực của giáo hội Rô-ma. Ông quyết định triệu tập một đại Công đồng tổ chức tại Nikêa do chính ông chủ trì. Công đồng Nikêa bắt đầu làm việc từ ngày 20/5/325. Một văn kiện được công bố buộc mọi người phải tin và ký nhận. Nội dung văn kiện được tóm tắt vài điểm chính như sau:
“Tin một Thiên Chúa toàn năng là Cha, ngài là Đấng tạo dựng. Tin Giêsu là con một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, Giêsu cũng là Thiên Chúa, được sinh ra nhưng không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha, từ trời xuống thế để cứu rỗi con người… Giáo hội Rô-ma sẽ tuyên án những ai nói rằng: Giêsu không có từ trước muôn đời. Trước khi Ngài sinh ra Ngài chưa có. Ngài bởi không hoặc bởi bản thể khác mà được tạo dựng”.
Với một văn kiện có tính áp đặt như thế nên nhiều người đã không ký, tất nhiên Arius cũng không ký, ông bị trục xuất khỏi giáo hội và lãnh án lưu đày đến tận Ba Tư. Có nhiều người ký vào văn kiện chỉ vì sợ bị tù tội. Một số người đã ký, sau đó xin rút lại chữ ký như Giám mục Eusebiô, Giám mục Theognis, Giám mục Maris. Cả ba ông này lập tức bị bắt và bị lưu đày.
Năm 337, hoàng đế Constantine băng hà, quyền lực đế quốc thuộc về hai người con: Constant và Constanciô. Năm 350, Constant băng hà, Constanciô nắm trọn quyền điều hành đế quốc.
Năm 351 Constanciô triệu tập Công đồng Sirmium đưa ra một văn kiện mới: “Tin một Thiên Chúa duy nhất là Cha toàn năng và con một Người, Chúa Giêsu Kitô sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, bởi người mà mọi vật được tạo thành…”
Nhưng lần này thì chính những người có uy tín nhất của giáo hội Rôma là Giám mục Athanasiô và Giáo hoàng Liberiô không ký văn kiện. Những người chống lại công đồng đều phải bị tù đày kể cả Giáo hoàng Liberiô.
Công đồng Sirmium II (357) lại đưa ra một văn kiện nhằm hạ thấp vai trò của Giêsu: “Chúa Cha cao trọng hơn Chúa Con, người vượt lên trên Chúa Con về danh vọng, quyền bính, vinh quang và cả danh hiệu làm Cha của người…” Công đồng này hoàn toàn phủ nhận sự “đồng bản tính” giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Nhưng công đồng Sirmium III lại công bố: “Chúa Con đồng bản tính với Chúa Cha…”
2.- Nestorius với học thuyết Giêsu không phải là Thiên Chúa mà chỉ là công cụ của Thiên Chúa.
Nestorius (380-440), Giáo chủ Constantinopoli chủ trương Giêsu sinh bởi bà Maria chỉ là một con người được tiền định mặc thiên tính, là công cụ của Thiên Chúa, Ngôi Lời hành động qua Thiên Tính trong con người của Giêsu.
Với chủ trương như vậy, Nestorius đã đưa lên bàn mổ phẫu thuật “Ngôi Hai” ra làm hai mảnh riêng biệt: “Ngôi Lời” và “Giêsu”. Từ đó đi đến một hệ luận: Maria chỉ là mẹ của Giêsu chứ không thể là “Mẹ Thiên Chúa”.
Hoàng đế La Mã lúc đó là Theođosiô II triệu tập Công đồng Ephesô. Ngày 22/6/431, cách chức và tuyên án Nestorius đồng thời khẳng định: Maria chính là mẹ Thiên Chúa (Theotokos).
Chính tại công đồng này là nơi khai sinh ra kinh Kính Mừng: “…Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng tôi là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử…”
Công đồng Ephesô kết thúc với sự nhìn nhận : “Giêsu có hai bản tính. Đồng bản tính với Đức Chúa Cha về Thiên Tính và với loài người về Nhân Tính…”
3.- Eutikê với giáo thuyết Giêsu chỉ có một bản tính duy nhất là Thiên tính.
Điều trớ trêu là sự nhìn nhận còn nóng hổi chưa kịp nguội thì một giáo thuyết mới xuất hiện: Phủ nhận Nhân Tính ngôi thứ hai. Giêsu chỉ có một bản tính duy nhất, tức Thiên Tính. Tác giả của giáo thuyết mới này là Eutikê (378-454).
Giáo thuyết của Eutikê được sự ủng hộ của Đioscorô, Giáo chủ Alexanđria. Nhưng điều lạ là khi Eutikê bị Giáo Hoàng Leô (440-461) tuyên án thì chính Hoàng đế Lamã Theođosiô lại bênh vực cho Eutikê.
Một công đồng mới lại được triệu tập. Một đội vệ binh tinh nhuệ được điều đến làm nhiệm vụ. Giáo chủ Dioscorô chủ trì công đồng. Ông lệnh cho binh sĩ bắt hết tất cả các Giám mục chống đối và tuyên bố : “Giết chết ngay những kẻ dám tuyên bố Giêsu có hai bản tính”. Giám mục Flavian là nạn nhân đầu tiên của bi kịch, ông bị đánh chết tại chỗ, về sau ông được giáo hội “phong thánh”.
4.- Về Ngôi Thứ Ba. Chúa Thánh Thần cũng chỉ là tạo vật.
Về Chúa Thánh Thần cũng thế. Năm 360, các Giám mục Constantinopoli, Marathôn, Nicomeđia… mà đứng đầu là Maceđôn chủ trương giáo thuyết: “Chúa Thánh Thần cũng chỉ là một tạo vật…”
Năm 381, Hoàng đế Theođosiô (379-395) triệu tập Công đồng Constantinopoli để bổ túc những thiếu sót của Công đồng Nikêa về Chúa Giêsu: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá, chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô…”
Đồng thời phi bác giáo thuyết: Chúa Thánh Thần là tạo vật… : “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, người cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy…”
Tất nhiên chỉ có những kẻ điếc không sợ súng mới dám chống lại Công đồng!
5.- Thái độ khách quan của người ngoài Kitô giáo trước cuộc tranh chấp tín lý “Bản Tính” và “Ngôi Vị” trong lịch sử giáo hội Công giáo.
Ngày nay, người ngoài Kitô giáo không hiểu Thiên Chúa của Công giáo La Mã “quan phòng” kiểu gì mà nhiều người phải bỏ mạng, nhiều người khác bị tù tội, tra tấn, lưu đày chỉ vì họ đã tham gia vào cuộc tranh biện “Đồng Bản Tính” (homoousios), “Ngôi Vị” (hypostasis) của Thiên Chúa!
Công giáo La Mã ngày nay đã kết án những người có chủ trương đi ngược lại tinh thần công đồng Nikêa được đúc kết lại trong kinh Tin Kính là “lạc giáo”. Nhưng đối với người không phải là tín đồ Kitô giáo, chuyện “lạc” hay “không lạc” là chuyện nội bộ của của các hệ phái Kitô giáo. Người ngoài Kitô giáo chỉ nhìn vấn đề với một thái độ bàng quan và trung thực để nhận định: “Giêsu là Đấng ngụy Cứu Độ và phổ muốn quát cho toàn nhân loại” là cái lõi của Tông huấn Giáo hội mà Vatican muốn tất cả các dân tộc phải thừa nhận, lại cũng chính là cái lõi gây ra cuộc tranh chấp tín lý đã cướp đi bao sinh mạng ngay trong nội bộ giáo hội!...
Trước những sự kiện lịch sử không thể phủ nhận, buộc người ngoài Kitô giáo ngày nay phải nghĩ rằng: Giêsu là một con người tội nghiệp bị lợi dụng, bị thần thánh hóa, là nạn nhân của những thế lực núp bóng tôn giáo, là hình nộm để giáo hội đã bắt ông ta phải mang trên vai với mục đích thống trị thế giới,! Vì thế, cần phải “Cứu Độ Giêsu”, phải trả lại cho Giêsu những gì ông có và đừng bắt ông phải nhận lấy những gì mà ông không có…!
Tài Ngô;, nhà nghiên cứu, cựu tri thức Công giáo đã bỏ đạo,!